Cầu Cổng Vàng hay Golden Gate là cây cầu treo dài hơn 2.700m nằm ở thành phố San Francisco, bang California, nước Mỹ. Đây được coi là cửa ngõ trên con đường từ Thái Bình Dương vào Vịnh San Francisco, nối liền thành phố San Francisco ở mũi phía Bắc bán đảo San Francisco với hạt Marin gần thị trấn Sausalito ở phía Nam.
Cầu Cổng Vàng là một công trình kiến trúc vĩ đại và lộng lẫy, là một điểm thu hút khách du lịch Mỹ rất được yêu thích. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều báo cáo cho thấy có những âm thanh kỳ lạ như thể ai đó đang “rên rỉ” hoặc “chơi nhạc cụ” vang vọng từ cây cầu.
Theo một số nguồn thông tin từ các báo cáo phân tích, những âm thanh kỳ lạ này liên tục vang lên trên cầu nghe như tiếng vang cua các loại nhạc cụ. Chúng thậm chí đủ lớn để bạn có thể nghe rõ trong khi đang lái xe qua cầu.
Trong một đoạn video được ghi lại, có thể nhận thấy âm thanh bí ẩn trên cầu Cổng Vàng tương đối rõ ràng. Ngay sau đó, âm thanh kỳ lạ phát ra từ Cầu Cổng Vàng được ghi nhận là đã bắt đầu được nghe thấy ở một khu vực xung quanh. Một số báo cáo khác cho thấy âm thanh này có thể được nghe thấy ngay cả từ một nơi cách xa tới khoảng 5km. Ông Alberto Martinez, một người sống ở San Francisco gần đó, cho biết đã nghe được âm thanh này kéo dài trong khoảng một giờ. Mark Kruger, một người đã ghé thăm Cầu Cổng Vàng thậm chí còn nói rằng: “Tôi bị đau tai và âm thanh quá to tới mức không thể chịu nổi”.
Giải mã âm thanh bí ẩn trên cầu Cổng Vàng, các kỹ sư chịu trách nhiệm bảo trì cây cầu đã thu được lại kết quả vô cùng bất ngờ.
Âm thanh lạ phát ra từ Cầu Cổng Vàng là do lan can trên vỉa hè của cây cầu này mới đây đã được cải tạo. Do sự cải tạo của lan can, gió mạnh thổi từ phía tây sang phía đông của eo biển rộng một dặm (khoảng 1,6km) nối liền vịnh San Francisco và Thái Bình Dương đã gây ra các âm thanh kể trên. Nhiều người cảm thấy vô cùng thích thú với âm thanh này, họ nói rằng cây cầu đang cất lên “khúc ca bi tráng của mình”.
Ông Paolo Koslich Schwarz, Người phát ngôn của Golden Gate Bridge, cho biết: “Cầu Cổng Vàng đã bắt đầu hát. Những giai điệu âm nhạc mới phát ra từ cây cầu là một hiện tượng được biết đến và không thể tránh khỏi, xuất phát từ một dự án cải tạo để chống gió mạnh trên cây cầu. Dự án cải tạo nhằm mục đích tránh sự tác động của gió lớn ảnh hưởng đến cây cầu, và điều này hết sức cần thiết để đảm bảo an toàn cho người đi lại qua cầu trong tương lai”. Như vậy, đây là một phần của quá trình thiết kế và người dân ở quanh khu vực cây cầu sẽ phải chấp nhận sống chung với nó trong tương lai.
Cầu Cổng Vàng, hay còn được biết đến với tên gọi khác là Kim Môn Kiều, là một biểu tượng đặc trưng của San Francisco nói riêng và là biểu tượng của cả xứ cờ hoa nói chung, bên cạnh các công trình và danh thắng nổi tiếng khác như tượng Nữ Thần Tự Do, tòa nhà Empire State ở New York hay Hẻm Núi Lớn (Grand Canyon) ở Arizona. Cầu Cổng Vàng cũng đã có tên trong danh sách các kỳ quan của thế giới hiện đại, hàng năm, có hàng triệu lượt khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây chiêm ngưỡng nó, bàng hoàng trước những điều kỳ diệu mà con người có thể làm được.
Cây cầu này còn là địa điểm quay gắn liền với các bộ phim điện ảnh nổi tiếng thế giới ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng người hâm mộ điện ảnh Mỹ. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến phân cảnh đặc sắc của siêu điệp viên James Bond phải vất vả chiến đấu với kẻ ác Max Zorin trên tòa tháp cầu ở tập phim 007 A View To Kill.
Đối với những tín đồ của phim siêu anh hùng chắc hẳn sẽ không quên được phân cảnh ấn tượng khi Superman bay vòng quanh Cầu Cổng Vàng để cứu một chiếc xe buýt chở đầy học sinh sắp lao xuống nước, cảnh quái nhân Magneto đã nhổ tung cây cầu lên để làm đường dẫn tới hòn đảo nhỏ giữa vịnh (X – 3) hay cảnh một con bạch tuộc khổng lồ trong “It Came From Beneath The Sea” cố tìm cách phá cây cầu huyền thoại bằng những xúc tu kinh khủng của nó …
Vào thời điểm ra đời (năm 1937), Cầu Cổng Vàng được coi là cây cầu treo dài nhất thế giới với đường kính của các sợi cáp treo chính dài 0,91m. Tuy nhiên đến này vị trí đó đã bị lật đổ bởi cây cầu Verrazano Narrows ở New York. Cái tên Chrysopylae hay là Golden Gate được kỹ sư trắc địa John C. Fremont đặt, bởi cây cầu này làm ông nhớ đến bến cảng Chrysoceras (Sừng Trâu Vàng) ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Cầu Golden Gate do kiến trúc sư Joseph Strauss, người từng xây dựng nên 400 cây cầu trên khắp nước Mỹ, thiết kế. Quá trình thiết kế cây cầu là một sự kỳ diệu được coi là một “Khúc bi tráng cho đam mê và lòng dũng cảm” vì hết sức gian nan, nguy hiểm. Đã có 19 người thoát chết trong quá trình xây dựng cầu đã trở thành thành viên danh dự của một tổ chức (không chính thức) mang tên Half Way To Hell (Nửa đường tới địa ngục). Tổng thống F. Roosevelt chính thức nhấn vào một nút điện làm lễ thông xe – đánh dấu sự ra đời của một trong những cây cầu vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại năm 1937.